Thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng 2021 mới nhất

0
1262

Sổ trắng là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ một số loại sổ tạm thời hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất. Để được chuyển nhượng, cho hoặc tặng thì người dân phải thực hiện thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng. Vậy thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng được diễn ra như thế nào và có gì cần chú ý, tất cả vấn đề đó sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của RETI.

Sổ trắng là gì? Một số mốc thời gian về Sổ trắng

Sổ trắng là gì?

Sổ trắng được cấp theo quy định tại Nghị định 02-CP ngày 04/01/1979 của Hội đồng Chính phủ về ban hành điều lệ thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn và Pháp lệnh nhà ở ngày 26/3/1991 của Hội đồng Nhà nước trong đó diện tích đất được cấp căn cứ theo hồ sơ và các giấy tờ liên quan của người sử dụng đất được UBND xã, phường, UBND huyện, thị xã xác nhận thì diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là ghi nhận hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Như vậy, diện tích đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà có thể xem là chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính.

Thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng 2021 mới nhất 1
Sổ trắng (Hình minh họa)

Sổ trắng hiện nay có rất nhiều loại: cấp trước 30/04/1975 có văn tự đoạn mãi bất động sản, bằng khoán điền thổ; cấp sau 30/04/1975 có giấy phép mua bán nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận (hoặc quyết định) của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở…

Theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP, ngày 25 tháng 5 năm 2007, bắt đầu từ 01/01/2008, những loại giấy trắng nếu muốn giao dịch thì mới phải đổi qua giấy hồng (đối với các loại giấy trắng về nhà và đất), giấy đỏ (đối với các loại giấy trắng về đất).

Các loại giấy trắng chỉ là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng có ghi diện tích đất khuôn viên thì được pháp luật công nhận quyền sử dụng đất gắn liền. Do đó, đối với những trường hợp đó, sẽ được chuyển đổi qua giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (giấy hồng mới).

Cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể “sổ trắng” là một trong những loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật thì để bảo vệ quyền lợi cho người dân nhiều địa phương đã xem “sổ trắng” là một trong những loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.

Một số mốc thời gian về Sổ trắng

Trước ngày 30/4/1975, Nhà nước ban hành văn tự đoạn mãi bất động sản, bằng khoán điền thổ để ghi nhận các giao dịch bất động sản nhà, đất.

Sau ngày 30/4/1975, cơ quan thẩm quyền ban hành giấy phép mua bán nhà, giấy cho phép xây dựng, Giấy chứng nhận hoặc quyết định của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở,…

Khi Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai có hiệu lực thi hành thì tại khoản 1 Điều 66 Nghị định này quy định rõ về thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng Giấy chứng nhận như sau:

“1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Theo quy định trên thì những loại giấy tờ mà người dân thường gọi là “Sổ trắng” như văn tự đoạn mãi, bằng khoán điền thổ… phải chuyển sang Giấy chứng nhận mới được chuyển nhượng, tặng cho (phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận).

Mặc dù pháp luật thời điểm 2007, 2008 đã bắt buộc phải có Giấy chứng nhận mới được chuyển nhượng, tặng cho nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp chuyển nhượng nhưng không có Giấy chứng nhận. Để công nhận những giao dịch này trên thực tế thì khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định công nhận những giao dịch trong giai đoạn từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/7/2014 mà không có Giấy chứng nhận; tuy nhiên không phải chuyển nhượng nào không có Giấy chứng nhận cũng được công nhận mà phải mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Hiện nay, “Sổ trắng” là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ một số giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993.
  • Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
  • Bằng khoán điền thổ.
  • Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
  • Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ,…

>>> Trọn bộ hướng dẫn: Thủ tục mua bán nhà đất mới nhất 2020.

Sổ hồng là gì?

Sổ hồng là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” tại đô thị (nội thành, nội thị xã, thị trấn) được quy định tại Nghị định số 60-CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.

Thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng 2021 mới nhất 2
Sổ hồng (Hình minh họa)

Trên sổ hồng thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, diện tích, loại đất, thời hạn sử dụng…) và quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, số tầng, kết cấu nhà, diện tích sử dụng chung, riêng…). Sổ này có màu hồng nhạt và do UBND tỉnh cấp. Sau này để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, pháp luật cho phép UBND tỉnh được ủy quyền cho UBND quận, thị xã cấp sổ hồng cho chủ sở hữu trong phạm vi địa bàn mình quản lý. Khi chuyển nhượng thì chỉ cần chữ ký của người đứng tên trên Giấy chứng nhận là được.

Sở hữu sổ trắng có được chuyển nhượng/tặng/cho?

Từ 01/7/2014 khi Luật Đất đai 2013 và Nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành thì người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền chuyển nhượng, quyền tặng cho, thừa kế… khi có Giấy chứng nhận; nội dung này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

Thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng

Thủ tục đổi Sổ trắng sang Sổ hồng thực chất là thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Để có Giấy chứng nhận người dân cần thực hiện theo thủ tục sau:

Chuẩn bị hồ sơ

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
  • Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
  • Một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (một số loại thường được người dân gọi là Sổ trắng).

Lưu ý: Khi nộp hồ sơ thì người dân có thể lựa chọn một số phương án nộp như sau:

  • Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
  • Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao.
  • Nộp bản chính giấy tờ.

Xem thêm Thuế/phí bất động sản bên bán chịu hay bên mua chịu?

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

  • Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.
  • Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Tại bước này người dân chỉ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo.
  • Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.

Bước 4. Trả kết quả

Có thể bạn quan tâm Chi tiết thủ tục pháp lý mua bán nhà.

Thời gian giải quyết

Căn cứ khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính các khoảng thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.

Đọc thêm Căn hộ văn phòng là gì? Có nên đầu tư vào loại hình BĐS này không?

Trên đây là thủ tục chuyển từ số trắng sang sổ hồng, nếu bạn quan tâm đến các chủ đề có liên quan, truy cập website của RETI Proptech để biết thêm thông tin chi tiết.

RETI là Công ty phân phối, phát triển và đầu tư BĐS ứng dụng công nghệ. Bằng sự kết hợp giữa công nghệ và con người, nền tảng giao dịch BĐS online và phương thức offline, RETI chắc chắn mang lại nhiều giá trị và trải nghiệm đột phá cho khách hàng cũng như chủ đầu tư, giúp họ mua – bán giao dịch BĐS dễ dàng, minh bạch và hiệu quả.
Hiện nay, RETI đã và đang phân phối rất nhiều dự án lớn trên cả nước, như: Sun Grand Boulevard, Sun Riverside Village, BRG Diamond Residence, Sun Grand City Thuỵ Khuê, Meyhomes Capital Phú Quốc, Sun Grand City Feria Hạ Long, Sunshine Crystal River, Sun Onsen Village Limited Edition, Sun Grand City Hillside Residence, Vegacity Nha Trang…
Website: https://reti.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/retiproptech
Hotline: 098 712 6898
Email: support@reti.vn