Năm 2020 được đánh giá là một năm đầy biến động của thị trường bất động sản nói chung và Đà Nẵng nói riêng khi gần như rơi vào trạng thái đóng băng, sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn cơn dẫn đến sự ảm đạm này liệu có phải do bản chất của thị trường đã hết tiềm năng và cơ hội? Hay do tác động của đại dịch? Cơ hội trong tương lai để có thể lạc quan, tin tưởng vào sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của thị trường Đà Nẵng trong năm 2021 là gì? Cùng RETI khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung bài viết
Ngày vui chóng tàn với thị trường bất động sản Đà Nẵng
Thị trường bất động sản Đà Nẵng vốn được đánh giá là “người tiên phong” khi sớm trở thành một trong những thị trường lớn có tốc độ phát triển nhanh và hấp dẫn các nhà đầu tư. Giai đoạn năm 2014 – 2018 được đánh giá là thời kỳ phát triển lên hương của bất động sản Đà Nẵng, các nhà đầu tư nườm nượp gia nhập thị trường, các giao dịch diễn ra sôi động, đặc biệt ở phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng như Condotel. Vào năm 2016, khi sản phẩm này bắt đầu nở rộ ở Việt Nam thì đã có hơn 4.911 căn Condotel được chào bán ra thị trường, tỷ lệ tiêu thụ luôn ở mức cao, lên đến 75%.
Tuy nhiên sau một khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ nguồn cung ồ ạt đã dẫn đến sự bùng nổ và dư thừa. Từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, thị trường Đà Nẵng đã nhanh chóng rơi vào trạng thái “tuột dốc không phanh”. Sau một đợt sốt đất ảo vào tháng 3/2019, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sau giai đoạn say lợi nhuận đã không kịp thoát hàng và sập bẫy với những món nợ ngân hàng khổng lồ. Thị trường bất động sản đi xuống kéo theo nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào cảnh khó khăn.
Khủng hoảng pháp lý vì vấn đề dự án
Theo các chuyên gia, ngoại trừ nguyên nhân mang tính chu kỳ của thị trường, trong thực tế nguồn cung và mức tiêu thụ của bất động sản Đà Nẵng sụt giảm là do không đảm bảo được tính pháp lý, đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm bất động sản.
Đặc biệt, với sản phẩm Condotel, một vài đổ vỡ trên trên thị trường đã thúc đẩy hoạt động thanh tra, rà soát pháp lý các dự án càng khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng trở nên khó khăn. Nhiều dự án lớn bị đóng băng do những vi phạm về đất đai, phải “đắp chiếu” chờ tháo gỡ về pháp lý nên tình trạng hạn chế nguồn cung càng trở nên rõ rệt.
“Một trong những yếu tố khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng giảm mạnh về giá và số lượng nhà đầu tư, đó là yếu tố từ công tác quản lý, thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định.
Theo ông Đính, chính quyền Đà Nẵng trước đó đã có một loạt ứng xử với doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của pháp luật, vì vậy dẫn đến nhiều dự án bị vướng về thủ tục, hồ sơ. Nhiều dự án bị bùng nhùng pháp lý, không được cấp sổ đỏ. Có những dự án nộp tiền như đất ở nhưng lại cấp sổ là đất dịch vụ.
“Tại Đà Nẵng hiện nay, có hàng loạt dự án bất động sản đang gặp rắc rối về pháp lý. Nhiều dự án đã hoàn thiện, đủ pháp lý để bán ra thị trường, nhưng bây giờ đang bị rà soát lại, chưa được phép bán. Hoặc, một số dự án đang bước sang giai đoạn hoàn thiện, cũng bị khoanh vùng và phải dừng thi công”, ông Đính cho biết thêm.
Theo chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng là do chính quyền Đà Nẵng trong nhiệm kỳ hiện tại đang cố chữa cháy các “di sản” mà thế hệ lãnh đạo trước đã thực hiện chưa đúng quy trình. Sau khi nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý do sai phạm đất đai, ở Đà Nẵng cũng gần như không có dự án mới do tâm lý cẩn trọng, sợ sai của chính quyền. Dự án cũ thì vướng mắc, dự án mới lại tắc nghẽn dẫn đến thiếu cung trên thị trường.
Với những lý do trên, thị trường bất động sản Đà Nẵng cuối năm 2019, đầu năm 2020 bước vào trạng thái trầm lắng, ảm đạm, im lìm chờ cơ hội chuyển mình.
Thị trường rơi vào giai đoạn đóng băng
Hậu quả của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng to lớn đến thị trường BĐS Đà Nẵng. Tác động tiêu cực của dịch bệnh đã dập tắt mọi hy vọng được giới đầu tư đặt ra từ cuối năm 2019 về bức tranh thị trường khởi sắc hơn trong năm 2020, thực tế, thị trường không chỉ trầm lắng mà còn rơi vào cảnh đóng băng hoàn toàn.
Theo thống kê của bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 31/8, hơn 2.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hàng vạn lao động buộc phải nghỉ việc. Trong đó, ngành du lịch mũi nhọn của thành phố chỉ ước đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 68,6% so với năm 2019. Sở Du lịch cũng thống kê, đến tháng 9, toàn thành phố có 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch tạm dừng kinh doanh.
Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2020, hầu hết các phân khúc đều phải hứng chịu thiệt hại, trong đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có thiệt hại nặng nhất. Thị trường gần như không có giao dịch. Toàn thị trường trong 7 tháng đầu năm 2020 chỉ tiêu thụ được khoảng 233 căn Condotel, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chỉ có 1 dự án condotel mở bán, cung cấp ra thị trường 65 căn Condotel. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 57% nguồn cung mới. Đồng thời toàn thị trường không có nguồn cung sơ cấp. Sức mua thị trường ở mức rất thấp, gần như không có giao dịch trong thời gian qua.
Theo các đơn vị nghiên cứu, hai phân khúc sôi động nhất thị trường Đà Nẵng là đất nền và căn hộ cũng phải gồng mình gánh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
Đến nay, đặc biệt sau thời điểm dịch Covid-19 hoành hành thị trường đất nền tại địa phương dường như tạm dừng, dù giá đã xuống chạm đáy, có dự án giá đã giảm đến 30% so với thời điểm trước đó, tuy nhiên vẫn không có người mua. Thị trường chững lại, nhà đầu tư hời hợt với đất nền, chỉ còn một lượng khách hàng mua để ở.
Riêng phân khúc nhà phố và biệt thự thì không có dự án mới mở bán. Nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó. Mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp.
Sau thời điểm bùng phát dịch bệnh thứ 2 vào quý II và mùa cao điểm bão lũ, thị trường Đà Nẵng hoàn toàn bước vào giai đoạn “ngủ đông”. Hiện tượng đóng băng trong giao dịch và hoạt động xây dựng bắt đầu diễn ra. Chủ đầu tư buộc phải tạm ngừng thi công theo quy định, dẫn tới việc thị trường không có nguồn cung. Sự khan hiếm nguồn hàng mới, giao dịch thứ cấp cũng hạn chế và phần nhiều là cắt lỗ khiến lực lượng bán hàng phải tạm thời chuyển hướng sang thị trường mới, thậm chí nhiều môi giới phải chuyển nghề.
Cơ hội phá băng trong năm 2021
Dù bức tranh thị trường hiện tại rất ảm đạm nhưng các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ sớm được phục hồi. Cơ hội đầu tiên xuất phát từ bản chất của thị trường. Thực tế, dù có nhiều biến động nhưng bất động sản Đà Nẵng vẫn có rất nhiều tiềm năng, các khó khăn vừa qua chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, mới đây, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”. Đây chắc chắn sẽ là một động lực rất lớn về chính sách, để bất động sản Đà Nẵng hấp dẫn nhà đầu tư trở lại.
Kinh nghiệm cho thấy khi có các điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch mới sẽ kích thích thị trường bất động sản phát triển. Mặt khác, giới chuyên gia dự báo thị trường Đà Nẵng dù đang chững lại nhưng cũng khó có thể “vỡ bong bóng” hay đóng băng lâu dài. Vì thành phố này còn rất nhiều tiềm năng và luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, có thể nói rằng, sự khủng hoảng trong thời gian qua chính là điểm dừng cần thiết để Đà Nẵng điều chỉnh lại thị trường với các chính sách mới, sẵn sàng cho quá trình phát triển bền vững trong tương lai.
Xem thêm Luật Quy hoạch đô thị 2020 và đề cương quy hoạch cho Hà Nội.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm, đơn cử như mở rộng cảng Liên Chiểu, càng Tiên Sa, tuyến đường sắt đô thị nối Đà Nẵng với Hội An, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Trị,… Các yếu tố về hạ tầng sẽ hỗ trợ cho tất cả các phân khúc bất động sản tăng trưởng, từ bất động sản công nghiệp, nhà ở, căn hộ, cho tới đất nền, biệt thự – nhà phố,…
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam) cũng cho rằng, thị trường bất động sản TP. Đà Nẵng vẫn còn nhiều hấp lực đối với nhà đầu tư. Tình trạng một số nhà đầu tư vỡ nợ tuy tác động xấu đến tâm lý thị trường nhưng không tạo ra trạng thái hoảng loạn, đổ vỡ dây chuyền như thường thấy. Đối tượng vỡ nợ là người chuyên đầu tư các bất động sản có giá trị lớn nằm ven biển, nên qua 2 làn sóng Covid-19, họ không chịu nổi sự biến động trên thị trường, tài sản hầu như không thanh khoản sau khoảng thời gian dài từ nửa cuối năm 2018 nên vỡ nợ.
Ông Lập đánh giá với TP. Đà Nẵng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, bất động sản sẽ là thị trường phục hồi sớm nhất. Bên cạnh đó lãi vay ngân hàng hiện đã giảm từ 11 – 12%/năm về còn dưới 7%. Đồng thời, TP. Đà Nẵng sắp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, kéo theo đó sẽ là sự gia tăng đầu tư và phát triển hạ tầng mạnh mẽ”, ông Lập lý giải.
Phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2021
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Đà Nẵng xác định 2 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chính là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố.
Những tín hiệu tốt từ công tác phòng chống dịch bệnh, sự ổn định về hệ thống chính trị cũng như quyết tâm của chính quyền thành phố hướng tới năm 2021 sẽ là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, thị trường bất động sản Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ sớm sôi động trở lại Trên thực tế, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này từ Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng, thị trường này sẽ còn nhiều cơ hội để chuyển mình.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và những tác động của thời tiết, những ngày đầu tháng 11-2020, khách du lịch đã bắt đầu quay trở lại Đà Nẵng. Theo thông tin Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2021, lượng khách du lịch đặt tour và dịch vụ trải nghiệm tại Đà Nẵng đang tăng trưởng.
Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air đã có khoảng 40-50% khách đặt chỗ đến Đà Nẵng. Riêng chuyến bay vào dịp Tết dương lịch của các hãng này đã bán hết vé. Hiện đã có gần 10.000 khách đặt tour đến Đà Nẵng, phần lớn lưu trú trong các khách sạn 4-5 sao.
Theo Sở Du lịch, đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch sau nhiều lần chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và là yếu tố thuận lợi để Đà Nẵng tung hàng loạt gói du lịch hấp dẫn cuối năm. Cụ thể, thành phố đang triển khai liên tiếp 2 chiến dịch “Danang Miss You” và “Danang Is Back” phát đi thông điệp điểm đến an toàn với hàng loạt chương trình hấp dẫn để thu hút du khách như Lễ hội Đà Nẵng – Chào năm mới 2021; các chương trình văn hóa, nghệ thuật bên bờ sông Hàn; hoạt động đón Giáng sinh chào năm mới tại các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú.
Cùng với dịch vụ hoàn hảo đợi khách, Đà Nẵng còn duy trì kết nối với các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan) thông qua các buổi hội thảo trực tuyến, sẵn sàng đón khách quốc tế quay trở lại. Năm 2021, ngoài các sự kiện lớn, lễ hội pháo hoa, thành phố có thể sẽ đăng cai tổ chức Hoa hậu Việt Nam, phát triển kinh tế đêm phục vụ tối đa nhu cầu thăm quan, thưởng thức của khách du lịch. Sự trở lại của khách du lịch sẽ là bệ đỡ đắc lực cho thị trường bất động sản Đà Nẵng, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Mặt khác, sau nhiều biến động của thị trường, giá trị bất động sản tại Đà Nẵng đã dần quay trở về giá trị thực, đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội tăng giá mạnh mẽ trong thời gian tới. Giới đầu tư tin rằng, đây là thời điểm vàng để chớp cơ hội đầu tư trước khi thị trường nóng trở lại.
Theo các chuyên gia địa ốc, một thị trường bất động sản chỉ có thể phát triển bền vững dựa trên nhu cầu thực. Với thị trường Hà Nội, Sài Gòn là nhu cầu ở thực. Còn với các thị trường du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc thì yếu tố đem đến sự phát triển bền vững cho thị trường chính là lượng khách du lịch phải đủ lớn để duy trì được hiệu suất kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng. Và Đà Nẵng có đủ những yếu tố, điều kiện để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững không phải thị trường nào cũng có được, từ yếu tố thiên nhiên, con người đến cơ sở hạ tầng, năng lực cạnh tranh…
Với những cơ sở đó, bất động sản Đà Nẵng vẫn là một thị trường rất đáng để đầu tư. Vượt qua được “cơn bĩ cực” do khủng hoảng pháp lý và Covid-19, năm 2021 sẽ là “hồi thái lai” của thị trường bất động sản Đà Nẵng với nhiều điểm sáng đáng lạc quan với hướng đi chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Có thể bạn quan tâm Loạt chính sách, pháp lý quan trọng trong năm 2020 tác động đến thị trường BĐS năm 2021.
Trên đây là những thông tin về thị trường bất động sản Đà Nẵng trong năm 2020 và dự đoán tình hình trong năm 2021. Nếu bạn quan tâm đến các tin tức bất động sản có liên quan, truy cập website của Reti Proptech để biết thêm thông tin chi tiết.
RETI là Công ty phân phối, phát triển và đầu tư BĐS ứng dụng công nghệ. Bằng sự kết hợp giữa công nghệ và con người, nền tảng giao dịch BĐS online và phương thức offline, RETI chắc chắn mang lại nhiều giá trị và trải nghiệm đột phá cho khách hàng cũng như chủ đầu tư, giúp họ mua – bán giao dịch BĐS dễ dàng, minh bạch và hiệu quả. Hiện nay, RETI đã và đang phân phối rất nhiều dự án lớn trên cả nước, như: Sun Grand Boulevard, Sun Riverside Village, BRG Diamond Residence, Sun Grand City Thuỵ Khuê, Meyhomes Capital Phú Quốc, Sun Grand City Feria Hạ Long, Sunshine Crystal River, Sun Onsen Village Limited Edition, Sun Grand City Hillside Residence, Vegacity Nha Trang… Website: https://reti.vn/ Fanpage: https://www.facebook.com/retiproptech Hotline: 098 712 6898 Email: support@reti.vn |