Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi?

0
989

Ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đang trên đà hồi phục với nhiều tín hiệu khá lạc quan sau ba tháng đóng băng vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ hai trong cộng đồng đã dập tan hy vọng về sự hồi phục nhanh chóng của ngành du lịch và khách sạn trong năm 2020.

Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi? 1

Từ tháng 2/2020, virus Corona xuất hiện và lan rộng, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cách ly xã hội, hạn chế đi lại và lần lượt đóng cửa biên giới. Xu hướng này khiến cho thị trường du lịch và khách sạn như rơi vào trạng thái ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020. Không còn các chuyến bay quốc tế, không còn những khách hàng quốc tế, những tour du lịch hạng sang gần như ngã quỵ. Thực hiện giãn cách xã hội, nhà hàng đóng cửa, khách sạn trống không, xe cộ nằm bãi, doanh thu ngành du lịch tụt giảm đến mức chao đảo.

Sau nhiều năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng, Việt Nam lần đầu ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và cả nội địa trong sáu tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam tạm dừng các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 3, do vậy lượng khách quốc tế đến giảm mạnh gần 99% chỉ trong quý 2.

Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh loại hình khách sạn vì thế gặp nhiều khó khăn hơn. Doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trong nửa đầu năm tại Hà Nội và Tp.HCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) cho cả Việt Nam trong cùng kỳ ghi nhận mức giảm tương tự khoảng 55%. Công suất phòng giảm nghiêm trọng trong tháng 4, giai đoạn diễn ra cách ly toàn xã hội

Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi? 2

May mắn thay, từ tháng 5/2020 đã thấy kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ khống chế Covid-19 của Chính phủ. Các hoạt động trong nước bắt đầu bình thường trở lại. Ngay lập tức, nhiều biện pháp kích cầu du lịch được khởi động.

Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi? 3

Du khách nội địa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và sẽ bù đắp phần nào sự sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020. Thị trường du lịch nội địa đã bắt đầu khởi sắc hơn từ tháng 6 với việc ghi nhận tổng lượt khách gia tăng gấp 2,3 lần so với tháng 5. Trong bối cảnh chưa thể đi du lịch nước ngoài, nhiều người Việt lựa chọn những điểm đến trong nước nhằm ủng hộ ngành du lịch địa phương. Những điểm đến có thể dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ như Hạ Long, Sapa, ở miền Bắc hoặc Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết ở miền Nam đã đặc biệt hưởng lợi từ làn sóng phục hồi trong các tháng hè vừa qua.

Nhiều mô hình liên doanh và liên kết nhằm phục hồi ngành du lịch nước nhà được triển khai rầm rộ. Không khí đang dần ấm lên, kể cả không khí tiêu dùng lẫn không khí đầu tư. Những doanh nghiệp du lịch vừa bị trắng tay bởi Covid-19 lại tiếp tục vay mượn tài chính để làm lại từ đầu bằng cách tour nội địa.

Một số địa điểm du lịch vốn có thế mạnh về khách nội địa như Đà Lạt, Sa Pa dần dần đông đúc trở lại. Đầu tháng 7/2020, những địa điểm du lịch gắn với biển đã tung ra nhiều đợt khuyến mãi dành cho khách nội địa và những con số tăng ấn tượng lại xuất hiện.

Theo CBRE, đối với thị trường khách sạn cao cấp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, do có sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn khách quốc tế nên công suất phòng tại hai thị trường này chỉ tăng nhẹ trong khoảng từ 1-1,5 điểm phần trăm mỗi tháng. Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch trên toàn thế giới.   

Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi? 4

Nhưng không ai ngờ, từ một nguồn lây nhiễm F0 khó đoán, virus corona lại hoành hành. Sau khi trải qua gần 100 ngày không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai bắt nguồn từ cụm bệnh viện tại Đà Nẵng phát hiện từ ngày 24/7 và cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội, Hội An cũng áp dụng giãn cách và những tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Đăk Lăk cũng bàng hoàng vì đợt bùng dịch thứ hai.

Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi? 5
Loại hình khách sạn đến bao giờ mới phục hồi? 6

Khi hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, thì mọi người hiểu ra rằng cuộc tái chiến đại dịch toàn cầu đã xảy ra ở Việt Nam. Và đây là cú đấm bồi thứ hai vào ngành du lịch đang liêu xiêu chống đỡ hệ lụy đợt lây nhiễm thứ nhất.

Hậu quả là hàng loạt tour đã bị hủy. Virus Corona chủng mới đã giáng đòn chí mạng vào ngành du lịch Việt Nam. Hàng triệu lao động phục vụ ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp lâu dài, vì chưa ai dám đoán định diễn biến tiếp theo của Covid-19. Không thể phục vụ khách nước ngoài, mà giờ đây ngay cả cơ hội phục vụ khách trong nước cũng biến mất.

Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, riêng từ ngày 28-7 đến 2-8 đã có gần 32.000 khách hủy tour nội địa. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 21 tỉ đồng; Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng.Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết sơ bộ TP.HCM có trên 35.000 chương trình du lịch của các công ty lớn đã bị hủy

Với tình hình này, hoạt động của các khách sạn trong quý 3/2020 sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý 2 bởi Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai và nhiều thành phố hoặc địa phương đang phải thiết lập cách ly xã hội để ngăn ngừa lây lan.

Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Mặc dù dịch Covid-19 sẽ để lại nhiều thiệt hại và tác động sâu rộng đến thị trường, triển vọng phát triển của loại hình khách sạn ở Việt Nam sẽ vẫn khả quan trong dài hạn nhờ cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước. 

Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó hiệu quả và thành công nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng được hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Về thị trường đầu tư, nhiều tập đoàn và quỹ đầu tư đang săn đón những tài sản đang có áp lực nợ (distressed assets) với mức định giá thấp. Tuy nhiên, theo quan sát chung, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế ở phân khúc 4 – 5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những khách sạn thuộc phân khúc thấp hơn. Song song đó nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.